mennu ngang

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Dịch bệnh vào mùa

Từ đầu tháng đến nay, tại TP.HCM và các tỉnh lân cận liên tục phát hiện nhiều ca tử vong do cúm A/H1N1. Ngoài ra, do vào thời điểm mùa mưa nên dịch bệnh sốt xuất huyết cũng bắt đầu có dấu hiệu bùng phát.            



Bệnh nhi SXH điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 2

Từ đầu tháng 6 đến nay, tại các tỉnh Nam bộ liên tiếp xảy ra 5 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Ông Lê Hoàng San - Viện Phó Viện Pasteur TP. HCM cho biết, hàng năm đều có bệnh cúm xảy ra nhưng tập trung cao điểm vào những tháng đầu mùa mưa. Theo giám sát, cứ 100 người đến khám thì có khoảng 2 người bị cúm A/H1N1.

Trước tình hình các ca nhiễm cúm A/H1N1 đang gia tăng cũng như liên tiếp xảy ra các ca tử vong, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại TP.HCM nhận định, cúm A/H1N1 diễn biến phức tạp không loại trừ khả năng chủng virus cúm này có những biến đổi. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho rằng, qua khảo sát ở bệnh viện này, khoảng 20 -30% bệnh nhân bị cúm có liên quan đến đường hô hấp. Sau khi xét nghiệm thì phát hiện nhiễm viruts cúm A/H1N1. Như vậy có thể thấy rằng, virus cúm A/H1N1 là một trong những nguyên nhân gây bệnh lý đường hô hấp trong cộng đồng. Theo các bác sĩ, cúm A/H1N1 tuy trở thành cúm mùa thông thường nhưng cúm này vẫn rất nguy hiểm đối với các đối tượng như trẻ sơ sinh, thai phụ, người cao tuổi, người mang bệnh cảnh nền như suy gan, suy thận, tim mạch…

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, trong tháng 5 có 166 trẻ mắc SXH nhưng từ đầu tháng 6 đến nay đã có 152 trẻ mắc. Dự báo, thời gian tới số trẻ mắc SXH chắc chắn sẽ còn tăng cao. Đại diện bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, vào những ngày gần đây, số bệnh nhân tới khám rất đông, trung bình mỗi ngày có tới 5.000 - 6.000 lượt trẻ tới khám bệnh. Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 3 - 5 ca nhập viện, hiện trong khoa có 20 trẻ đang phải điều trị trong đó có khoảng 10% ca nặng. So với tháng trước thì số ca mắc SXH nhập viện tăng gấp đôi. Dự kiến đỉnh điểm của dịch sẽ từ tháng 8 - 9 và kéo dài cho tới cuối năm. Bên cạnh dịch SXH thì trẻ còn dễ mắc các bệnh khác như: viêm màng não, thủy đậu tay - chân - miệng.
Bác sĩ Lê Minh Hùng, phòng nghiệp vụ Y Sở Y tế TP. HCM nhận định, mặc dù số ca mắc giảm so với cùng kỳ mọi năm nhưng trong những tháng cuối năm dịch SXH sẽ có nguy cơ tăng mạnh trở lại, nhất là khi thời tiết bắt đầu vào mùa mưa. Sở Y tế thành phố bắt đầu tháng hành động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và diệt muỗi bắt đầu từ ngày 15-6 đến 15-7 trên địa bàn phụ trách và đặc biệt giám sát các quận, huyện trọng điểm về SXH như Bình Chánh, Bình Tân…

Theo đánh giá của Cục y tế dự phòng Bộ Y tế, số người mắc có chiều hướng giảm nhưng số ca tử vong lại tăng 10 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch bệnh SXH vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước…
THANH GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét